LỜI TIÊN TRI

Tưởng nhớ mẹ tôi

_________________

Tết năm Canh Tý 1960, lúc đó tôi sáu tuổi. Gia đình tôi vừa mới hoàn hồn vì đã trải qua những tai nạn kinh thiên động địa, cha tôi sẽ được nhận làm việc ở một sở điện, cái nghề mà ông đã được học và làm từ thời Tây. Tôi nghe lỏm được cha mẹ tôi bàn với nhau, mồng bốn tết này sẽ làm vài mâm thịnh soạn để mời nhiều khách, và hoá vàng luôn thể. Bữa cơm hoá vàng năm đó có đến chục khách, ngoài ông bà, cha mẹ và bốn chị em tôi. Câu chuyện mà tôi sắp kể dưới đây đã theo tôi suốt 50 năm qua, phần vì thương nhớ mẹ, phần vì lời tiên tri của cụ trẻ tôi ngày ấy.

Pháo hồng điều nổ ngân vang, tôi lao ra sân nhặt những quả bị văng ra mà chưa kịp bén ngòi. Trở lại nhà trong cảnh nghiêm trang trầm lắng, chỉ còn tiếng nói của cụ trẻ. Tôi gọi là cụ trẻ, vì cụ là em cụ ngoại tôi, cụ là tú tài theo kháng chiến, lúc đó mang hàm thiếu tá, có tiếng trong họ là giỏi xem tử vi. Cụ chỉ vào mẹ tôi, lúc bà đang tất bật mang thêm thức ăn cho các mâm, phán rằng, con này là người có danh. Nghe câu đó mọi người đưa mắt nhìn nhau, như có ý chia sẻ với cụ trẻ về lời động viên khéo léo của cụ. Như đáp lại sự hiểu nhầm của mọi người, cụ trẻ cất cao giọng, phân tích thêm về ngày giờ sinh của cháu cụ, rằng: “Con này nó có danh còn hơn tất cả các anh đấy“. Mọi người im lặng nhìn nhau, như có vẻ sợ sệt, tôi linh cảm như vậy. Bữa cơm ngày tết đó, gồm những người trong hai họ nội ngoại của tôi, những người được ăn học nhiều và tương lai rất sáng sủa. Chỉ có mẹ tôi là người mới học hết lớp 4 thời Tây, bà ngoại tôi mất lúc mẹ tôi còn bé, mẹ chỉ có hai chị em. Tuy ông ngoại tôi là viên chức khá, nhưng lại còn bà ngoại kế. Mẹ và cậu tôi lớn lên trong sự nuôi dưỡng của bà nội, tuy ông nội mẹ tôi là một công chức lương cao, cụ bà là con thứ hai mươi của cụ Thượng Đào, một quan thượng thư họ Đào triều Huế, nhưng trong buổi giao thời, nên cuộc sống cũng không lấy gì sung túc. Mẹ tôi là người phụ nữ đẹp, sắc xảo, bướng bỉnh có tiếng trong họ. Bà trực tính và rất ghét sự gian dối, nịnh hót.

Chiến tranh xảy ra, sáu mẹ con chúng tôi bị chôn chặt tại quê nhà, năm 1968 bà sinh thêm cô em út của tôi. Mẹ thương chúng tôi lắm, vì bà cho rằng chúng tôi khổ hơn bà ngày bé. Bà hay kể về tuổi thơ của bà, đặc biệt là bà được ăn, được mặc, được theo cha sống qua nhiều thành phố từ Nam chí Bắc, như thế nào. Nhiều món ăn bà kể khiến chúng tôi thèm rơi nước miếng, thế rồi như để chiều sự ao ước của chúng tôi, bà cố làm lại các món ăn đó, chúng tôi thích lắm, nhưng bà bảo vẫn thiếu vị này, vị kia, nhưng thời nay không có. Một lần-năm tôi học lớp 6, thậm thụt đọc hai cuốn tiểu thuyết bị cấm, bà phát hiện được và bảo các tiểu thuyết đó là hay, sao bây giờ người ta lại cấm… Rồi bà còn kể và phân tích cho tôi nghe, tôi vô cùng ngạc nhiên. Năm tôi học lớp 3, bà hỏi tôi một mét vuông là gì? Rồi bà nói ngay rằng: “Một mét vuông là diện tích của một hình vuông có cạnh dài 1 mét”, thật trực quan và dễ hiểu! Sự thực mẹ tôi giáo dục chúng tôi có thể nói là rất nghiêm khắc. Bà không bắt chúng tôi làm nhiều, nhưng cũng không cho chúng tôi học quá nhiều, mọi thứ từ ăn ngủ, vui chơi, bạn bè, đọc sách gì, đều bị bà kiểm soát chặt chẽ. Trộm vong linh bà, ngày thơ bé nhiều lúc tôi ao ước được như mấy đứa trẻ hàng xóm, vì chúng rất được tự do. Thân thế bảy mẹ con chúng tôi ở quê, thật tội! Họ hàng nội ngoại nhờ cậy được đều ở xa. Mẹ tôi đâu có thạo nghề nông, chỉ bù lại là sự chăm chỉ, chắt chiu. Vốn chữ nghĩa và hiểu biết của bà, bà mang ra giúp đỡ tất cả mọi người, bà dạy họ tính diện tích các mảnh ruộng, tính khối phân, khối cát…, tính công, tính điểm, viết đơn, viết thư, rồi cả tham mưu cố vấn cho bà con trong làng khi họ hỏi ý kiến bà, về chuyện này chuyện kia. Bà còn dạy chữ, dạy tính cho những bà con mù chữ. Rồi tủ thuốc gia đình của bà, đã cứu giúp bao người hàng xóm đau yếu. Chẳng thế, mặc dù không có ai nâng đỡ, nhưng chính quyền địa phương vẫn phải mời bà làm kế toán, đội phó Hợp tác xã… Mà bà làm thì ai cũng được nhờ, vì mọi người không bị tính toán gian dối. Bà là người phụ nữ được cả dân làng nể trọng! Thời gian trôi đi, anh chị em chúng tôi khôn lớn, dẫu không thành đạt bằng ai, nhưng chúng tôi đều có nghề nghiệp và gia đình riêng nền nếp.

Mẹ tôi mất năm 2005, lúc bà 79 tuổi, nhớ lại lời tiên tri của cụ trẻ tôi 50 năm trước như đã nói ở trên, với những người ngồi ăn cỗ hoá vàng tết năm Canh Tý 1960, rằng: ”Con này nó có danh còn hơn tất cả các anh đấy”.  Có thật thế không?

Điểm lại trong số đó có bốn người là quan chức cấp Cục-Vụ trưởng, nhưng nghe đâu lúc nhiệt huyết muốn đóng góp công sức thì bị phá lên phá xuống, sau này hiểu ra lẽ đời đã ráng hết sức hoạt động để được vào Đảng, rồi tìm người nâng đỡ, đến khi lên được thì con người đã khác trước, rồi cũng chỉ là những người kéo bè, kéo cánh, vơ vét mọi thứ cho mình, thời thế mà! Bốn người khác đều trở thành những trí thức lớn ở các viện nghiên cứu và các trường đại học, danh khoa học nổi như cồn, vì đều là giáo sư-tiến sĩ khoa học, là những nhà khoa học đầu ngành mà. Các vị này đã từ lâu dồn sức vào những việc: nghiên cứu sinh; thực tập sinh; nghiên cứu sau tiến sĩ, đi làm luận án tiến sĩ khoa học…, hội thảo quốc tế, lo cho đủ các chức danh PGS rồi GS… rồi tham gia đủ các kiểu hội đồng, đề tài, dự án…, quyền sinh quyền sát đối với bao kẻ leo thang trên con đường danh vọng. Các ông làm toàn những việc cao siêu, xuất hiện ở toàn những nơi sang trọng, khiến người người chỉ biết cung kính, cúi đầu trước các ông. Thiên hạ chỉ biết các ông là các giáo sư tiến sĩ khoa học, các nhà khoa học lớn. Còn cụ thể các ông làm gì thì có trời mới biết. Các ông đã trở thành những ông quan khoa học, mang bên mình đủ thứ danh hiệu. Nghe nói các ông còn giúp quê hương tỉnh nhà rất nhiều loại bằng cấp, từ cử nhân tại chức đến tiến sĩ. Hồi còn sống mẹ tôi nói với các ông ấy rằng “Các ông làm thế là hại quê, chứ đâu phải là giúp quê“.  Thế rồi một buổi tối một đứa cháu ruột của tôi, gửi email từ Mỹ về cho bố nó, thông báo rằng: “Bốn vị họ nhà ta, con đã xem rất kỹ website khoa học quốc tế thì hai vị không có tên, một vị được 2 bài không có trích dẫn, vị còn lại được 4 bài thì đều viết chung với người nước ngoài, dạng ăn theo”.  Bức thư thật tàn nhẫn và lạnh lùng, nhưng biết làm sao được. Tám vị này có thể gọi là những người có danh hay không? và nếu là danh, thì danh gì?

Còn mẹ tôi một người phụ nữ, bằng những tâm huyết và khả năng của mình, đã đóng góp cho quê hương những việc làm thiết thực. Quả thật cho đến nay con cháu của cụ về quê, vẫn được nghe dân của cả vùng kể về cụ những điều tốt đẹp, với lòng biết ơn. Cụ đã để lại cho quê hương và con cháu cụ một thương hiệu, một mẫu người, ở một vùng quê. Như vậy, mẹ tôi có phải là người có danh không?

Trước khi vào học Cấp I, mẹ gửi tôi vào một lớp học tư trong vòng một năm của một cụ giáo già trong làng. Cụ thuộc dòng dõi khoa bảng có tiếng, nghe đâu trước năm 1945 cụ đã làm quan huyện, rồi bỏ quan đi dạy học. Cụ mất năm 1970 thọ 85 tuổi. Hình ảnh cụ đã theo suốt cuộc đời tôi. Những điều cụ dạy, cụ bắt chúng tôi thuộc, hình như nghĩa của nó cứ sâu rộng thêm ra theo tuổi tác và sự trải nghiệm.

Năm tháng trôi qua, với biết bao biến cố, với biết bao huyễn hoặc, với biết bao lý giải về cái được, cái mất, cái danh, cái thực, để rồi đến một ngày tôi được thanh thản đi dưới hàng cây tại nghĩa địa quê nhà, được ôn lại những ký ức tuổi thơ sâu đậm. Thắp nhang trên mộ cụ Giáo, hình ảnh cụ lại hiện về, cùng lời dạy của cụ: “Danh do công mà ra, không có công thì không thể có danh“, mà có lẽ lúc này tôi mới ngộ ra. Và phải chăng lời tiên tri của cụ trẻ về mẹ tôi ngày ấy,  giờ đã được giải mã!

Hà Nội-5/5/2010-Dương Quốc Việt

_________

Câu chuyện này  đã được một người bạn của tôi nhà thơ Chau Hong Thuy (lấy nguồn thông tin trực tiếp từ blog này của tôi) đã cho đăng và giới thiệu trong tạp chí NGƯỜI BẠN ĐƯỜNG-một tạp chí của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga do anh làm tổng biên tập:  Dương Quốc Việt: Lời tiên tri .  

This entry was posted in PHẦN VĂN XUÔI. Bookmark the permalink.

Leave a comment